Nằm ở điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh, đoạn trùng với QL1, cầu Năm Căn là cây cầu lớn cuối cùng nối Đất Mũi, khép lại hành trình của cả hai con đường thiên lý, chạy dọc suốt chiều dài đất nước.
Đường về Đất Mũi hết xa xôi
Đứng trên bến phà, nhìn những chiếc ghe mỏng manh như những tàu lá nhưng chở đến hàng chục khách, nối đuôi nhau trên dòng Cái Lớn đang xả khói mù mịt, nhiều người không khỏi ái ngại về độ an toàn của nó. Thế nhưng, với những người dân huyện Ngọc Hiển nơi cực Nam Tổ quốc, đó là phương tiện duy nhất để giao thương, đi lại. Trên bến phà, cô gái trẻ tên Lan, gắn bó với mảnh đất tận cùng Tổ quốc này gần 20 năm chốc chốc lại ra bến ngóng xem có chiếc xuồng nào quay lại đón khách. Trò chuyện với tôi, Lan như muốn trút bỏ sự kìm nén trong lòng: “Mỗi lần về quê cứ phải đợi hàng giờ mới có xuồng. Lên được xuồng rồi về được đến nhà cũng phải mất hàng giờ đồng hồ nữa anh ạ. Trong khi theo đường chim bay, nhà em chỉ cách bến sông này vài cây số. Hơn nữa, vì đây là cửa sông đổ ra biển nên nhiều hôm đi xuồng, sóng lớn, lũ con gái như bọn em say sóng đến xây xẩm mặt mày”.
Biết chúng tôi đến dự lễ hợp long cầu Năm Căn, nhìn về cây cầu phía xa xa đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng trước khi thông xe, cô gái khẽ hỏi trong tiếng gió ào ào nơi bến sông: “Khi nào xong cầu hả anh?”.
Sau những nghi lễ hợp long cầu Năm Căn diễn ra ngày 16/4, trên đoạn cầu đang thi công dở, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi khoát cánh tay chỉ về phía hạ lưu rồi nói: “Cầu xây xong không chỉ có ý nghĩa đối với cả tuyến đường Hồ Chí Minh khi điểm đầu Pắc Bó (Cao Bằng) đã nối thông với đất mũi Cà Mau. Với người dân nơi đây, cây cầu này còn mang ý nghĩa như là một sự giải phóng bởi khi hoàn thành, nó sẽ bắt đầu cho những tuyến giao thông đường bộ đầu tiên trên ốc đảo Ngọc Hiển vốn từ xưa đến nay không có đường giao thông đến trung tâm huyện”.
Cây cầu có cọc khoan nhồi sâu nhất Việt Nam
Khi chúng tôi đến, cây cầu vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Lán trại dựng ngay dưới chân cầu chỉ có một vài công nhân làm bảo vệ còn gần 200 kỹ sư, thợ cầu đều có mặt trên công trường để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của cây cầu nơi tận cùng đất nước.
Bước lên công trường cầu Năm Căn có thể nhìn rộng ra cả một khúc sông dài ngút ngát bởi ở đây là một vùng sông nước mênh mông. Trong tiếng gió phần phật, anh Lê Văn Đình, công nhân của Công ty Xây lắp cơ giới 1 (CIENCO1) vẫn đang cặm cụi hàn những kết cấu cốt thép trên đường dẫn đầu cầu. Những đợt gió thi thoảng lại tạt bay cả những đốm lửa lập lòe phát ra từ que hàn. Khuôn mặt đẫm mồ hôi, anh Đình bảo: “Ở đây sông sâu, nước siết, vào đầu buổi chiều thường gió rất to nên nhiều khi thi công trên thành mặt cầu, anh em còn phải buộc dây bảo hiểm để tránh bị gió tạt rơi xuống sông”.
Anh Đình năm nay 30 tuổi, đã có vợ và một con gái ở Nghệ An. Anh vào đây làm cầu từ buổi đầu khởi công. Gần hai năm làm cầu Năm Căn, anh Đình chưa một lần về quê thăm gia đình vì đường sá xa xôi, cách trở. Nếu muốn về quê lại phải bắt xe vượt 300km về Cần Thơ rồi lại từ đó đi máy bay về Vinh. Tốn kém là một chuyện, nhưng thời gian gần như không có vì để bảo đảm tiến độ của công trình, những công nhân, kỹ sư của công ty luôn được yêu cầu túc trực để sẵn sàng thi công.
"Đường Hồ Chí Minh là một trong hai con đường xương sống, là con đường huyền thoại, đi suốt chiều dài của đất nước. Trong đó, cầu Năm Căn là một điểm nhấn quan trọng để có thể thông toàn tuyến từ Pắc Bó đến đất Mũi. Vì thế, tất cả chúng ta phải nỗ lực hết sức để tuyến đường này được hoàn thành một cách trọn vẹn”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể
|
Dự án cầu Năm Căn gần như cách biệt hoàn toàn với các khu dân cư. Muốn ra thị trấn, chỉ có cách là đi ghe hoặc xuồng máy. Ban ngày thì quần quật trên công trường, buổi tối muốn đi đâu chơi lại mắc giá vé đi xuồng quá đắt đỏ, mỗi lần đi phải mất 200.000 - 300.000 đồng một chuyến. Vậy là những thợ cầu ở đây vào mỗi buổi tối chỉ còn biết túm năm, tụm ba trò chuyện về gia đình, vợ con. Có người buồn quá đêm đến còn xuống sông mò ốc lấy vỏ làm thành những đồ chơi để đầy một góc nhà chờ khi nào xong công trình mang về cho con chơi.
Khi nghe cuộc trò chuyện giữa tôi và anh Đình, anh Đinh Viết Thuận nói xen vào: “Lúc đầu buồn thế thôi còn sau này anh em nghĩ ra cách tậu một bộ dàn karaoke. Vậy là hàng đêm, anh em trên công trường bất kể đơn vị thi công, thuộc gói thầu nào nếu muốn hát, cứ tụ tập lại. Gần như đêm nào ở khu lán trại ven bờ sông Cái Lớn đèn cũng sáng choang. Tiếng hát loang ra khắp mặt sông phá tan màn đêm tĩnh lặng”.
Anh Thuận bảo, có nhiều anh em trước khi đến đây không biết hát karaoke hoặc ngại không hát nhưng ở đây được một thời gian thì hầu như ai cũng trở thành… “ca sĩ” hết. Có những người khi đến chưa bao giờ biết hát nhưng giờ thuộc hết cả mấy đĩa nhạc.
Nói về những khó khăn khi xây cầu, kỹ sư Lê Văn Dần – Giám đốc Công ty Xây lắp cơ giới 1 (CIENCO1) cho biết, cầu Năm Căn là cây cầu lớn được thi công trong điều kiện phức tạp về địa hình, địa chất, thủy văn của khu vực miền Tây Nam Bộ. Đây là cây cầu có kết cấu nhịp lớn, thi công trong vùng sóng to, gió lớn, nước chảy siết, đáy sông sâu gần 19m so với mực nước thi công. Lòng sông ở đây cũng là nơi có tầng phủ địa chất rất yếu, với trên 30m bùn, khu vực hai bên bờ sông tại vị trí xây dựng cầu bị sạt lở do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Không những thế, do dự án nằm giữa sông, cách biệt hoàn toàn với các khu dân cư nên toàn bộ việc vận chuyển máy móc thiết bị, vật tư, nhân lực đều phải di chuyển bằng đường thủy mà không có đường bộ. Đây là một thách thức không nhỏ đối với kỹ sư, thợ cầu.
“Chính vì những yếu tố địa chất, thủy văn đặc thù ấy, nên tại cầu Năm Căn, khi khoan nhồi trụ chính, những kỹ sư, công nhân đã xác lập một kỷ lục với chiều sâu lên tới 101m. Đây là cọc khoan nhồi sâu nhất Việt Nam đến thời điểm này” – ông Dần nói.
![]() |
Cầu Năm Căn nối hai bờ sông Cái Lớn |
Ngày ấy không còn xa
Khi cây cầu Năm Căn được hợp long ngày 16/4 vừa qua, cả hai bờ sông Cái Lớn vẫn còn bị cách trở bởi một số cây cầu nhỏ hơn ở hai đầu dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng. Cũng chính vì thế, ngay sau lễ hợp long, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cùng lên xuồng đi thị sát các gói thầu còn dang dở, có nguy cơ chậm tiến độ, ngay cả khi thông xe cầu Năm Căn, cây cầu này vẫn chưa sử dụng được.
Buổi chiều hôm đó, lãnh đạo tỉnh và Bộ GTVT cùng ngồi lại để rà soát và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong việc GPMB cũng như đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu thuộc dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Cà Mau. Mở đầu cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã nói đầy cảm động: “Đây là dự án lớn cuối cùng trong tổng thể dự án đường Hồ Chí Minh, có ý nghĩa rất quan trọng, là niềm khao khát của người dân địa phương nên chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để dự án đảm bảo đúng tiến độ đề ra…”.
Đáp lời và thể hiện sự quyết tâm lớn của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu bảo đảm được các yêu cầu về mặt bằng, Bộ GTVT cũng như Ban QLDA Hồ Chí Minh sẽ quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thực hiện, đảm bảo tiến độ để đến cuối năm 2014 sẽ thông xe đến cầu Năm Căn và năm 2015 sẽ thông tuyến đến Đất Mũi.
Viết bình luận