Giữa đêm tối, kiểm ngư Trung Quốc bất ngờ tấn công tàu cá, đánh đập thuyền trưởng Hải và ngư dân Anh, lột sạch trang thiết bị liên lạc và toàn bộ số hải sản đánh bắt được.
Thở nặng nhọc trên giường bệnh, thuyền trưởng Hải kể, tối 16/5, sau bữa cơm chiều, 12 ngư dân trên tàu chia nhóm đi trên hai ca nô ra đánh bắt thủy sản ở gần đảo Phú Lâm, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Vị thuyền trưởng cùng ngư dân trẻ Lê Anh ở lại trông tàu cá, cả hai đang say sưa trò chuyện thì tàu kiểm ngư của Trung Quốc, số hiệu 306 cùng hai ca nô bất ngờ ập tới tấn công.
Thuyền trưởng Hải vừa giữ chắc vôlăng tìm đường thoát khỏi vòng vây của tàu Trung Quốc vừa tìm cách báo tin cho 12 ngư dân đang đánh bắt trên 2 ca nô. Hơn một tiếng đồng hồ rượt đuổi, tàu kiểm ngư Trung Quốc liên tục rú còi inh ỏi, rồi vượt lên chặn đầu, còn hai ca nô áp sát hai bên mạn tàu của anh Hải.
Hơn 20 người mặc đồ rằn ri, cầm dao, dùi cui tràn lên tàu, đập cửa, phá cabin khiến mảnh kính và gỗ văng tung tóe khắp sàn. Trong lúc nguy nan, Hải vẫn không rời vô lăng, rú ga lao về phía trước trong khi ngư dân Lê Anh chui xuống gầm buồng ngủ ẩn nấp.
"Thấy tôi không chịu dừng tàu, nhóm người Trung Quốc dùng dùi cui đánh tới tấp làm cánh tay trái sưng vù. Sau đó họ dùng búa gỗ (dụng cụ dùng đập đá ướp thủy sản trên tàu cá) đánh mạnh vào mặt khiến tôi ngất xỉu ngay dưới vô lăng", anh Hải kể.
Vài phút sau, nhóm người Trung Quốc phát hiện ra Lê Anh và lôi ra phía trước mũi tàu, dùng dùi cui đánh tới tấp vào đầu, vùng ngực, hông... khiến ngư dân trẻ này lăn ra bất tỉnh.
Lúc sau, thuyền trưởng Hải tỉnh dậy, dù đầu óc choáng váng, cánh tay trái sưng vù đau đớn nhưng vẫn gắng nổ máy, lái tàu dò tìm đến khu vực 12 ngư dân đang lặn bắt thủy sản gần đảo Phú Lâm.
Ngư dân Phạm Tấn Sơn cho biết, khoảng 20h tối 16/5, anh em đang lặn bắt tôm, hải sâm, cách tàu cá khoảng 6 hải lý thì nghe thuyền trưởng Hải điện báo tàu cá bị phía Trung Quốc tấn công, rượt đuổi, sau đó mất liên lạc hoàn toàn. Gần 1h sáng 17/5, nhóm ngư dân nhìn thấy tín hiệu đèn pin quét vòng tròn từ con tàu.
"Thấy tín hiệu đèn pin, chúng tôi quay vội về tàu, tập trung sơ cứu cho Hải và Anh. Sau đó cẩu hai canô đưa lên tàu, quay về đất liền hy vọng kịp cứu sống hai ngư dân", ông Sơn thuật lại.
Trên hành trình từ Hoàng Sa về đất liền, các ngư dân giã gừng, dùng đũa và xé vải để nẹp buộc cánh tay sưng vù của anh Hải. Còn ngư dân trẻ Lê Anh thì cứ ăn vào là nôn thốc nôn tháo, cơ thể nóng ran, run lẩy bẩy... khiến ai cũng lo anh khó sống nổi trước khi về đến đất liền. Trong lúc mê sảng, Anh khóc rưng rức nói về người vợ trẻ sắp đến ngày sinh con đầu lòng ở quê nhà.
Không chỉ đánh đập khiến thuyền trưởng Hải và ngư dân Anh ngất xỉu, phía Trung Quốc còn cướp đi khoảng 8 tấn thủy sản (cá, tôm và hải sâm) cùng máy liên lạc Icom, máy dò, máy định vị, máy quét..., hút hơn 2.000 lít dầu diesel, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Sau một ngày đêm chạy hết ga, đến trưa 18/5, các ngư dân cập bến Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh. Ngành y tế đã bố trí xe cấp cứu cùng kíp y, bác sĩ tại bến cảng kịp thời đưa thuyền trưởng Hải và ngư dân Anh về cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Đến chiều nay, sức khỏe của hai ngư dân này dần hồi phục, ổn định.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng Quỹ hỗ trợ ngư dân đã đến chia sẻ, hỗ trợ động viên các ngư dân gặp nạn vừa trở về từ Hoàng Sa sớm vượt qua khó khăn, ổn định tinh thần, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Theo thống kê của các địa phương huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn, chỉ trong 2 tuần qua, có 8 vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công, đánh đập, trấn lột tài sản trong lúc hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 3 tỷ đồng.
Theo Vnexpress
Viết bình luận